Những đứa con của nửa đêm
Phan_48
Và cuối cùng, Parvati giải thoát hắn khỏi bùa phép của cô. (Chẳng có cách giải thích nào khác; nếu không bị phù phép, vì sao hắn không tống khứ cô ngay khi biết cô có bầu? Còn nếu không phải cô gỡ bỏ nó, làm sao hắn tự mình làm nổi?) Lắc đầu như thể vừa tỉnh mộng, Thiếu tá Shiva bỗng thấy mình bên cạnh một cô gái ổ chuột bụng căng tròn, người dường như đối với hắn lúc này đại diện cho tất cả những gì hắn khiếp sợ nhất - cô là hiện thân của khu ổ chuột thời thơ ấu của hắn, nơi mà hắn đã chạy trốn, và giờ đây, thông qua cô, qua đứa con đáng nguyền rủa của cô, đang cố kéo hắn xuống xuống xuống một lần nữa... túm tóc cô lôi xềnh xệch, hắn ném cô lên xe máy, và chỉ trong chốc lát cô đã, bị vứt bỏ, đúng ở rìa khu ghetto của giới ảo thuật, bị trả về nơi từ đó cô đến, mang theo duy nhất một thứ mà cô không sở hữu lúc ra đi: thứ ẩn trong cô như một người tàng hình trong cái giỏ liễu gai, thứ đang lớn dần lớn dần lớn dần, đúng như cô dự kiến.
Vì sao tôi nói vậy? - Bởi vì chỉ có thể là như thế; bởi vì điều gì đến, đã đến; bởi vì niềm tin của tôi là Parvati-phù-thủy đã có thai để vô hiệu hóa lý do duy nhất của tôi khi không chịu cưới cô. Nhưng tôi sẽ chỉ tường thuật, và dành việc phân tích lại cho hậu thế.
Một ngày tháng Một lạnh giá, khi tiếng gọi của muezzin từ đỉnh tháp cao nhất Thánh đường Thứ Sáu vừa rời môi đã đóng băng rồi rơi xuống thành phố như một thứ tuyết thiêng, Parvati trở lại. Cô đã đợi đến khi không ai có thể nghi ngờ về tình trạng của cô nữa; cái giỏ bên trong cô phồng lên dưới lớp áo mới của niềm say mê giờ đã tiêu tan của Shiva. Đôi môi cô, tự tin về thắng lợi sắp đến, đã mất đi nét bĩu thời trang trước kia; trong cặp mắt to tròn, khi cô đứng trên bậc thềm Thánh đường Thứ Sáu để đảm bảo càng nhiều người trông thấy ngoại hình đã thay đổi của mình càng tốt, ẩn hiện ánh ngân quang của sự thỏa mãn. Tôi thấy cô trong tình trạng này khi trở về dưới chaya của thánh đường cùng Picture Singh. Tôi cảm thấy chán nản, và cảnh Parvati-phù-thủy đứng trên thềm, tay bình thản ấp lên cái bụng căng tròn, mái tóc tết vặn thừng phắt phơ giữa bầu không khí trong veo, chẳng làm tôi vui lên được tẹo nào.
Pictureji và tôi đến những phố định cư càng vào hàng hẹp sau Bưu điện Trung Tâm, nơi ký ức về thầy bói anh chàng hộp vạn hoa thầy lang bó xương lơ lửng theo gió; và tại đây Picture Singh thực hiện một màn trình diễn ngày càng chính trị hơn. Tài nghệ huyền thoại của anh thu hút những đám đông tử tế; và anh điều khiển lũ rắn truyền đạt thông điệp của mình dưới sự khống chế của tiếng sáo dặt dìu. Trong khi tôi, đóng vai học việc, đọc to một bài diễn thuyết chuẩn bị trước, độc xà chuyển thể diễn văn của tôi thành kịch. Tôi nói đến sự bất bình đẳng trắng trợn trong phân phối của cải xã hội; hai con hổ mang diễn vở kịch câm một lão nhà giàu không chịu bố thí cho ăn mày. Cảnh sát lạm quyền, đói khổ bệnh tật mù chữ cũng được tôi nói đến và độc xà khắc họa bằng vũ kịch; thế rồi Picture Singh, khép lại màn trình diễn, bắt đầu nói đến bản chất của cách mạng đỏ, và không khí bắt đầu ngập tràn những lời hứa hẹn, thành thử, từ trước khi cảnh sát xuất hiện từ cổng hậu tòa bưu điện để giải tán đám đông bằng dùi cui và hơi cay, đã có vài gã khán giả ngứa mồm phá đám Người Đàn Ông Dụ Hoặc Nhất Thế Gian. Có lẽ, không thấy thuyết phục trước màn kịch câm khó hiểu của bầy rắn, mà nội dung rất kịch tôi phải thừa nhận là hơi tối nghĩa, một gã trai hét to. “Ê này, Pictureji, anh phải vào Chính quyền mới đúng, đến Indiramata cũng chả hứa hẹn được oách như anh!”
Thế rồi hơi cay xuất hiện và chúng tôi phải bỏ chạy như tội phạm, ho khạc nôn ọe mù lòa, khỏi cảnh sát chống bạo động, vừa chạy vừa khóc một cách giả tạo; (như đã từng xảy ra, ở Jallianwalabagh - nhưng ít ra lần này không có đạn). Nhưng, mặc dù nước mắt này là nước mắt hơi cay, Picture Singh quả tình đã chìm vào một cơn trầm uất đấng sợ vì lời chế nhạo của kẻ ném đá hội nghị bởi nó nghi ngờ nhận thức của anh về hiện thực, điều anh tự hào hơn cả; và kết thúc trận mưa hơi cay với dùi cui, cả tôi cũng thấy chán nản, đột nhiên phát hiện thấy một con ngài của nỗi bất an trong bụng, và nhận ra rằng, có gì đó trong tôi phản đối cách Picture dùng vũ điệu rắn để khắc họa sự đồi bại vô phương cứu chữa của người giàu; tôi thấy mình nghĩ, “Cái gì chẳng có mặt tốt mặt xấu - và họ đã nuôi nấng em, chăm sóc em, Pictureji!” Sau đấy tôi bất đầu hiểu ra rằng tội ác của Mary Pereira đi chia cắt tôi khỏi hai thế giới, chứ không chỉ một; rằng dẫu bị trục xuất khỏi nhà cậu, tôi cũng không bao giờ thực sự gia nhập được cái thế-giới-theo-lời-Picture-Singh; rằng, kỳ thực, giấc mộng cứu quốc của tôi chỉ là một thứ hư yên huyễn ảnh, phi thực, những lời lèm bèm của một thằng ngốc.
Và còn kia là Parvati, với ngoại hình đã thay đổi, trong không khí rỡ ràng chói gắt của một ngày đông.
Hôm ấy là - hay tôi nhầm? Tôi phải nhanh lên; mọi thứ đang liên tục tuột khỏi tay tôi - một ngày của những sự kinh hoàng. Ngay sau đó - trừ phi đó là một ngày khác - chúng tôi tìm thấy bà lão Resham Bibi nằm chết cóng trong túp lều xây bằng vỏ thùng Dalda Vanaspati[3]. Bà cụ đã ngả màu xanh dương, xanh Krishna, xanh tựa Jesus, màu xanh của bầu trời Kashmir, đôi khi rỉ sang những đôi mắt; chúng tôi hỏa táng bà trên bờ sông Jamuna, giữa bãi bồi và đàn trâu, và thế là bà đã hụt đám cưới của tôi, một điều đáng buồn, bởi vì như mọi bà già Resham thích đám cưới, và từng tham dự những lễ henna lúc ăn hỏi với một niềm háo hức nhiệt thành, lĩnh xướng màn hát đổi đáp trong đó các chị em bạn của cô dâu thóa mạ chú rể và gia đình. Có lần những lời thóa mạ của bà ngọt và bài bản đến nỗi chú rể nổi khùng hủy luôn đám cưới; song Resham không vì thế mà e ngại, bảo rằng chẳng phải lỗi của bà nếu thanh niên bây giờ yếu tim và dễ đổi ý như gà.
[3] Một nhãn hiệu dầu ăn gốc thực vật của Ấn Độ.
Tôi đi vắng khi Parvati bỏ đi; tôi không có mặt khi cô trở về; và có một tình tiết kỳ lạ nữa... trừ phi tôi đã quên, trừ phi nó xảy ra vào một ngày khác... nhưng dù gì đi nữa, tôi vẫn cảm thấy, rằng cái ngày Parvati trở lại, một Bộ trưởng Nội các Ấn Độ đang ngồi trong toa xe của mình, tại Samastipur, khi một vụ nổ thổi bay ông ta vào sách lịch sử; rằng Parvati, người bỏ đi giữa những vụ nổ bom nguyên tử, và trở lại với chúng tôi khi Ngài L.N. Mishra, Bộ trưởng Đường sắt và hối lộ, vĩnh viễn chia tay thế giới này. Hết điềm này đến điềm báo khác... có lẽ, ở Bombay, cá chim đang chết trương bụng và dạt vào bờ.
26 tháng Một, Ngày Cộng hòa, là dịp tốt cho giới ảo thuật. Khi từng đám đông khổng lồ tụ tập để xem voi và pháo hoa, các thuật sĩ của thành phố lên đường kiếm ăn. Tuy nhiên, với tôi, ngày này mang một ý nghĩa khác; chính vào Ngày Cộng hòa, số phận hôn nhân của tôi được định đoạt.
Sau khi Parvati trở về, đám đàn bà có tuổi ở ghetto hình thành thói quen bưng tai hổ thẹn mỗi khi đi qua mặt cô; cô, người mang trong bụng đứa trẻ vô thừa nhận mà chằng có vẻ gì ăn năn, sẽ cười ngây thơ và đi tiếp. Nhưng sáng Ngày Cộng hòa, khi ngủ dậy cô thấy một sợi thừng buộc mấy chiếc giày rách treo trước cửa, liền bật khóc không ai dỗ nổi, sự bình thản của cô sụp đổ trước sức mạnh của sự lăng nhục ghê gớm bậc nhất này. Picture Singh và tôi, vừa rời lều với những sọt rắn trĩu nặng, đi qua cô trong tình trạng đau khổ (có tính toán? chân thực?) này, và Picture Singh nghiến răng lại với một thái độ đầy cương quyết. “Quay về lều, đội trưởng,” Người Đàn Ông Dụ Hoặc Nhất bảo tôi, “Ta cần nói chuyện.”
Khi về đến lều, “Bỏ quá cho anh, đội trưởng, nhưng anh phải nói. Anh nghĩ là sống trên đời mà không có con là một chuyện khủng khiếp đối với đàn ông. Không thể có con, đội trưởng: thật đáng buồn, phải không?” Và tôi, kẹt trong lời nói dối về chuyện bất lực, đành im lặng trong khi Pictureji gợi ý về cuộc hôn nhân sẽ bảo toàn danh tiết cho Parvati và đồng thời giải quyết vấn đề vô sinh tự-thú-nhận của tôi; và bất chấp nỗi khiếp sợ khuôn mặt của Jamila Ca sĩ, thứ, khi trùng hiện trên mặt Parvati, có sức mạnh làm tôi muốn hóa điên, tôi không thể ép nổi mình từ chối.
Parvati - đúng như cô toan tính, tôi cầm chắc như thế - chấp nhận tôi ngay tức khắc, nói có dễ dàng và thường xuyên như trước kia cô đã nói không; và từ đây các lễ hội của Ngày Cộng hòa bắt đầu có không khí như được đặc biệt dàn dựng riêng cho chúng tôi, nhưng trong đầu tôi nghĩ rằng một lần nữa số phận, sự tất yếu, phản đề của lựa chọn, lại xuất hiện ngự trị đời tôi, một lần nữa, một đứa trẻ sẽ ra đời với người cha không phải cha mình, mặc dù với một sự oái oăm khủng khiếp nó vẫn là đứa cháu đích thực của bố mẹ của cha nó; mắc kẹt trong mạng nhện chằng chịt của các phả hệ, có lẽ trong đầu tôi đã nảy ra nỗi băn khoăn rằng cái gì đang bắt đầu, cái gì đang kết thúc, liệu một tiến trình đếm ngược bí mật khác có đang diễn ra, và thứ gì sẽ ra đời cùng với con tôi?
Bất chấp việc thiếu vắng Resham Bibi, đám cưới đã diễn ra khá suôn sẻ. Lễ cải đạo Hồi cho Parvati (điều làm Picture Singh khó chịu, nhưng là điều tôi thấy mình đòi bằng được, trong một nỗ lực nữa tìm về cuộc đởi cũ) được thực hiện bởi một vị Haji râu đỏ, người tỏ ra thấp thỏm trước sự hiện diện của quá nhiều thành viên bỡn cợt, khiêu khích của đám vô thần; dưới cái nhìn dáo dác của ông già trông như một củ hành lớn có râu này, cô tụng niệm niềm tin rằng không có Chúa nào ngoài Chúa và Muhammad là Đấng Tiên tri của Người; cô nhận cái tên do tôi chọn cho cô từ kho tàng các giấc mơ của tôi, trở thành Laylah, đêm, và bởi thế cũng bị cuốn vào những vòng lặp lịch sử của đời tôi, trở thành sự tái hiện của tất cả những người từng buộc phải đổi tên... như Mẹ tôi, Amina Sinai, Parvati-phù-thủy trở chành một con người mới để có thể có con.
Trong lễ henna, phân nửa giới ảo thuật nhận tôi làm người thân, đóng vai “gia đình” của tôi; nửa kia về phe Parvati, và màn hát đối mạ lị nhau vui vẻ kéo dài đến khuya trong khi những họa tiết henna cầu kỳ khô dần vào lòng bàn tay bàn chân cô; và nếu việc vắng Resham Bibi có làm cuộc thóa mạ thiếu đi một màn trình diễn đỉnh cao, chúng tôi cũng không quá buồn lòng về điều đó. Sang nikah, lễ cưới thực sự, tân lang tân nương được đặt ngồi trên một cái bục dựng vội bằng những thùng Dalda từ túp lều đã bị phá sập của Resham, và các ảo thuật gia long trọng xếp hàng diễu qua chúng tôi, thả những đồng xu mệnh giá nhỏ vào lòng hai vợ chồng; và khi nàng Laylah Sinai mới ngất xỉu, ai nấy đều cười mãn nguyện, vì mọi cô dâu tốt đều phải ngất xỉu ở đám cưới, và không ai nhắc đến cái khả năng sẽ làm tất cả bối rối là có thể cô ngất xỉu vì buồn nôn hoặc vì cơn đau-đạp do đứa trẻ trong giỏ của cô gây ra. Tối hôm đó các nhà ảo thuật có một màn trình diễn tuyệt vời đến mức tiếng đồn về nó lan khắp Thành phố Cũ, và mọi người chen chúc kéo đến xem, từ các thương gia đạo Hồi ở một muhalla gần đó, nơi một lời tuyên bố công khai từng được thực hiện, rồi những người thợ bạc và bán sữa chua hoa quả từ Chandni Chowk, những kẻ lang thang về đêm và du khách Nhật Bản, những người (trong dịp này) đều đeo khẩu trang vì lịch sự, không muốn lây vi trùng từ hơi thở của họ sang chúng tôi; và những người Âu da hồng tán chuyện ống kính máy ảnh với người Nhật, tiếng màn trập lách tách và đèn flash lạch xạch, và một trong những du khách bảo tôi rằng Ấn Độ quả thật là một đất nước tuyệt vời với nhiều truyền thống đặc sắc, và sẽ cực kỳ chuẩn và hoàn hảo nếu ta không phải suốt ngày ăn đồ ăn Ấn. Và tới valima, lễ hợp cẩn (mà, trong trường hợp này, không có tấm ga dính máu nào, dù có hay không có lỗ thủng, được chăng lên, bởi vì tôi đã trải qua đêm tân hôn với đôi mắt nhắm chặt và lưng quay lại vợ tôi, sợ bị khuôn mặt kinh dị của Jamila Ca sĩ đến ám ảnh tôi trong không khí hoang mang của bóng tối), các nhà ảo thuật còn trình diễn hay hơn chính họ trong đêm lễ cưới.
Nhưng khi mọi phấn khích đã lắng xuống, tôi nghe thấy (với một bên tai lành và bên kia điếc) thanh âm lạnh lùng của tương lai đang rình rập chúng tôi: tích, tắc, to dần và to nữa, cho đến khi sự ra đời của Saleem Sinai - cũng như của bố đứa trẻ - được tái hiện trong những sự kiện của đêm 25 tháng Sáu.
Trong khi những sát thủ bí ẩn ám sát các quan chức chính phủ, và chút nữa đã trừ bỏ được Chánh án Tối cao do Bà Gandhi đích thân bổ nhiệm, A.N. Ray, ghetto tập trung sự chú ý vào một bí ẩn khác: cái giỏ căng phồng của Parvati-phù-thủy.
Trong khi Janata Morcha phát triển theo đủ mọi đường lối kỳ quái, cho tới khi nó đi theo chủ nghĩa Cộng sản Maoist (như chính các nghệ sĩ uốn dẻo ở khu trại, kể cả ba chị em chân-tay-cao-su từng sống cùng Parvati trước khi chúng tôi thành hôn - sau hôn lễ, chúng tôi đã dọn đến một căn lều riêng, mà cả trại đã xây cho hai đứa làm quà cưới trên nền túp lều mục nát của Resham) và đón nhận những thành viên cực hữu của Ananda Marg; cho tới khi các thành viên Xã hội cánh Tả và Swatantra bảo thủ đều gia nhập hàng ngũ của nó... trong khi mặt trận nhân dân phình to một cách dị hợm như thế, tôi, Saleem, không ngừng băn khoăn xem thứ gì đang lớn dần đằng sau cái mặt tiền đang phình to của vợ tôi.
Trong khi dư luận bất mãn với đảng Quốc đại Indira đe dọa nghiền nát chính quyền như một con ruồi, bà Laylah Sinai mới toanh, với đôi mắt to hơn bao giờ hết, ngồi im như đá trong lúc sức nặng của đứa trẻ tiếp cục gia tăng cho đến khi đe dọa nghiền nát xương cô thành cám; và Picture Singh, ngây thơ lặp lại một lời nhận xét xa xưa, nói, “Này, đội trưởng! Nó chắc sẽ to phải biết: một anh cu cỡ bự mười đồng hẳn hoi!”
Và rồi đến ngày mười hai tháng Sáu.
Sử sách báo chí đài phát thanh đều bảo rằng đúng hai giờ chiều ngày 12 tháng Sáu, Thủ tướng Indira Gandhi bị phán quyết là có tội, theo chánh án Jag Mohan Lal Sinha của Tòa án Tối cao Allahabad, với hai tội danh vận động bất hợp pháp trong chiến dịch tranh cử năm 1971; điều trước đây chưa bao giờ được tiết lộ là vào đúng hai giờ chiều, Parvati-phù-thủy (nay là Laylah Sinai) cầm chắc mình đang trở dạ.
Cuộc trở dạ của Parvati-Laylah kéo dài mười ba ngày. Ngày đầu tiên, khi Thủ tướng bác bỏ khả năng từ chức, mặc dù bản án kèm theo hình phạt bắt buộc cấm bà tham gia chính quyền trong sáu năm, cổ tử cung của Parvati-phù-thủy, mặc những cơn co thắt đau như ngựa đá, vẫn ngoan cố không chịu mở; Saleem Sinai và Picture Singh, bị ba chị em uốn dẻo, những người đi lãnh trách nhiệm bà đỡ, cấm cửa khỏi túp lều quằn quại của em, chỉ biết nghe tiếng rên la vô vọng của em cho tới khi một đoàn nghệ sĩ nuốt-lửa bạc-bịp đi-trên-than-hồng lũ lượt kéo đến, vỗ lưng họ và kể chuyện tục tĩu; và chỉ có trong tai tôi là vẫn dội lên tiếng tích tắc... đang đếm ngược đến điều Chúa-mới-biết, cho đến khi tôi bị nỗi sợ xâm chiếm, và bảo Picture Singh, “Em không biết cái gì sẽ chui ra, nhưng nó sẽ chẳng tốt lành gì đâu...” Và Pictureji, trấn an: “Đừng có lo, đội trưởng! Tất cả sẽ ổn thôi! Một thằng cu cỡ bự mười đồng, anh đảm bảo!” Và Parvati, kêu gào la hét, và đêm qua ngày đến, và bước sang ngày thứ hai, khi ở Gujarat các ứng cử viên bầu cử của bà Gandhi thảm bại trước Janata Morcha, Parvati của tôi phải chịu những cơn đau dữ dội đến nỗi người em cứng đờ như sắt, và tôi không chịu ăn uống gì cho tới khi đứa trẻ ra đời hoặc là điều gì phải đến sẽ đến, tôi ngồi xếp bằng ngoài túp lều thống khổ của em, khiếp sợ run bần bật dưới cái nóng, cầu xin đừng bắt em phải chết đừng bắt em phải chết, mặc dầu chưa một lần tôi làm tình với em trong suốt ngần ấy tháng cưới nhau; bất chấp nỗi khiếp sợ bóng ma của Jamila Ca sĩ, tôi cầu nguyện và nhịn ăn; mặc cho Picture Singh can ngăn, “Đừng như vậy mà, đội trưởng,” tôi vẫn tiếp tục, và đến ngày thứ chín thì cả ghetto đã chìm vào một sự im lặng đáng sợ, một sự tĩnh lặng tuyệt đối đến mức kể cả tiếng gọi cầu nguyện của muezzin từ thánh đường cũng không xuyên thủng nổi, một sự vô thanh có uy lực mãnh liệt đến mức làm câm bặt tiếng gào rống của đoàn biểu tình do Janata Morcha phát động ngoài Rashtrapati Bhavan, Dinh Tổng thống; một sự câm lặng kinh hoàng cũng xuất phát từ thứ ma thuật đáng sợ, bao trùm hết thảy như sự im lặng vĩ đại từng phủ xuống ngôi nhà của ông bà tôi ở Agra, bởi vậy vào ngày thứ chín ấy chúng tôi không nghe được Morarji Desai kêu gọi Tổng thống Ahmad bãi miễn bà Thủ tướng ô danh, và âm thanh duy nhất của cả thế giới này là tiếng thoi thóp kiệt quệ của Parvati-Laylah, khi từng cơn co thắt đổ dồn lên em như núi, và tiếng em nghe như đang réo gọi chúng tôi dọc một đường hầm dài rỗng của đớn đau, trong khi tôi, ngồi xếp bằng, như bị thống khổ của em chặt thành từng khúc, với tiếng tích tắc vô thanh trong đầu; và trong lều ba chị em uốn dẻo đang rót nước lên người Parvati để bù lại lượng hơi nước như đang phun trào ra khỏi người em, nhét que gỗ vào giữa hai hàm răng để phòng em cắn đứt lưỡi, và cố ép mí mắt em nhắm lại trên đôi mắt đang lồi ra đáng sợ đến nỗi họ sợ chúng sẽ rơi ra ngoài mà bị vấy bẩn trên mặt đất, và sang ngày thứ mười hai thì tôi đã lả đi vì đói trong khi đâu đó trong thành phố Tòa án Tối cao thông báo với Bà Gandhi rằng bà chưa phải từ chức trong thời gian kháng án, nhưng sẽ không có quyền bỏ phiếu trong Lok Sabha cũng như lĩnh lương, và trong lúc Thủ tướng đang cơn hả hê trước chiến thắng một phần này bắt đầu thóa mạ địch thủ bằng thứ ngôn ngữ dư sức làm một mụ hàng cá Koli phải tự hào, cơn trở dạ của Parvati bước sang một giai đoạn mà trong đó, dù hoàn toàn kiệt quệ, em vẫn tìm được hơi sức để tuôn ra một tràng chửi rủa tục tằn từ cặp môi không còn huyết sắc, đến nỗi mùi xú uế từ những lời lẽ tục tĩu của em xộc vào mũi làm chúng tôi ói mửa, và ba chị em uốn dẻo từ trong lều chạy ra bảo rằng người em căng ra và nhợt nhạt đến nỗi gần như nhìn xuyên qua được, và em sẽ cầm chắc chết nếu đứa bé không chui ra lúc này, và trong tai tôi tôi tiếng tích tắc dồn dập tích tắc cho đến khi tôi biết chắc, đây rồi, sẽ sớm sớm sớm thôi, và khi ba chị em trở lại bên giường em vào tối ngày thứ mười ba họ thét lên Rồi rồi cô ấy bắt đầu rặn rồi, cố lên Parvati, rặn rặn rặn đi, và trong khi Parvati rặn đẻ ở ghetto, J.P. Narayan và Morarji Desai đang khiêu khích Indira Gandhi, trong khi ba chị em thét rặn rặn rặn thì lãnh đạo đảng Janata Morcha thúc giục Cảnh sát và Quân đội bất tuân những mệnh lệnh phi pháp của Thủ tướng đã bị bãi miễn, bởi vậy về một nghĩa nào đó họ cũng đang ép Bà Gandhi rặn, và khi đêm tối dần đến nửa đêm, bởi vì không có gì là không xảy ra vào thời điểm này, ba chị em bắt đầu réo lên nó đang ra đang ra đang ra, và đâu đó Thủ tướng cũng đang cho ra đời đứa con của mình... ở ghetto, trong túp lều nơi tôi ngồi xếp bằng bên ngoài và chết dần vì đói, con trai tôi đang ra đang ra đang ra, cái đầu ra rồi, ba chị em réo lên, trong khi lực lượng Cảnh sát Trung ương Dự bị bắt giữ các thủ lĩnh của Janata Morcha, bao gồm hai nhân vật già nua đến không tưởng và gần như đã thành truyền kỳ là Morarji Desai và J.P. Narayan, rặn rặn rặn, và vào chính giữa cái nửa đêm khủng khiếp ấy khi tiếng tích tắc vang dội trong tai tôi, một anh cu cỡ bự mười đồng chính hiệu, sau cùng đã phọt ra một cách dễ dàng đến nỗi chẳng ai hiểu nổi bao nhiêu khổ sở vừa qua để làm gì. Parvati rên lên một tiếng yếu ớt cuối cùng, thế là thằng bé phọt ra, trong khi khắp Ấn Độ cảnh sát đang bắt bớ tất cả lãnh tụ đối lập trừ các đảng viên Cộng sản thân Moscow, cả giáo viên luật sư thi sĩ nhà báo công đoàn viên, kỳ thực là bất cứ ai đã phạm sai lầm hắt hơi khi Madam diễn thuyết, và khi ba chị em uốn dẻo tắm cho đứa bé và bọc nó vào một mảnh sari cũ rồi bế ra cho bố xem mặt, chính xác vào thời điểm ấy, lần đầu tiên người ta nghe thấy từ Tình trạng Khẩn cấp, và đình-chỉ-quyền-công-dân, và kiểm-duyệt-báo-chí, và các-đơn-vị-thiết-giáp-sẵn-sàng-cao-độ, và bắt-giữ-các-phần-tử-phản-động; có gì đó đang chấm dứt, có gì khác đang ra đời, và chính xác vào thời khắc khai sinh của nước Ấn Độ mới và khởi đầu của một nửa đêm đằng đẵng sẽ kéo dài suốt hai năm, con trai tôi, đứa trẻ của tiếng tích tắc tái xuất, đã bước ra thế giới.
Và còn nữa: bởi vì khi, trong cảnh tối tăm tranh tối tranh sáng của cái nửa đêm sẽ kéo dài vô tận ấy, Saleem Sinai lần đầu nhìn thấy đứa bé, gã bắt đầu phá lên cười không nín được, tâm trí gã tê liệt vì cơn đói, phải, nhưng cũng vì nhận ra rằng định mệnh tàn nhẫn lại dành cho gã thêm một trò chơi khăm dị hợm nữa, nên dù Picture Singh, kinh hoảng trước tiếng cười của tôi, trong tình trạng suy kiệt nghe như tiếng khúc khích của một nữ sinh, nhắc đi nhắc lại, “Thôi nào, đội trưởng! Đừng điên thế hỉ! Là con trai rồi, đội trưởng, vui lên hỉ!” Saleem Sinai tiếp tục đón nhận sự ra đời của đứa trẻ bằng cách rúc rích cười điên loạn trước số phận, bởi thằng bé, thằng bé sơ sinh, thằng-bé-con-trai-tôi Aadam, Aadam Sinai có hình dáng hết sức hoàn hảo - trừ, chỉ trừ, có đôi tai. Hai bên đầu nó phấp phới cặp cơ quan thính giác xòe ra như hai cánh buồm, đôi tai lớn vĩ đại đến mức sau này ba chị em tiết lộ rằng khi cái đầu chui ra họ đã nghĩ, trong một khắc hoang mang, đây là đầu một chú voi con.
… “Đội trưởng, Saleem đội trưởng,” Picture Singh van nài, “bình tĩnh nào! Tai chứ gì đâu mà phải phát diên lên!”
Nó ra đời ở Delhi cũ... ngày xửa ngày xưa. Không, như thế không được, không thể né tránh ngày tháng được: Aadam Sinai chào đời ở một khu ổ chuột chìm trong bóng đêm vào ngày 25 tháng Sáu năm 1975. Thế còn giờ? Giờ cũng quan trọng chứ. Như tôi đã nói: về đêm. Không, nhất thiết phải rõ hơn... Thực tế là, đúng nửa đêm. Kim đồng hồ chắp tay. Ôi dào, nói toẹt ra đi, nói toẹt ra đi: chính vào thời khắc Ấn Độ bước vào Tình trạng Khẩn cấp, nó xuất hiện. Trong tiếng hổn hển; và, trên khắp đất nước, câm lặng và sợ hãi. Và dưới ách áp chế ma quái của thời khắc đêm tối ấy, nó đã bị còng tay một cách bí hiểm vào lịch sử, và vận mệnh của nó đã bị xiềng xích không thể chia lìa với của đất nước nó. Không được tiên đoán, chẳng được tung hô, nó đến; chẳng thủ tướng nào viết thư cho nó; nhưng, dù gì đi nữa, khi thời gian của mối liên hệ của tôi sắp chấm dứt, đến lượt nó bắt đầu. Nó, tất nhiên, chẳng có tiếng nói gì trong chuyện này sất; nói cho cùng, lúc ấy, đến tự chùi mũi nó còn chưa làm nổi.
Nó là con của người cha không phải là cha nó; nhưng cũng là con của một thời kỳ đã hủy hoại hiện thực một cách nghiêm trọng đến nỗi không ai còn có thể tái tạo được nữa;
Nó là chắt đích thực của cụ nội nó, nhưng hội chứng chân voi đã nhắm vào tai nó thay vì vào mũi - bởi vì nó cũng là đứa con đích thực của Shiva-và-Parvati; nó là thần Ganesh đầu voi;
Nó được sinh ra với đôi tai phấp phới cao và rộng đến nỗi chắc chúng đã nghe được tiếng nổ súng ở Bihar và tiếng gào thét của công nhân cảng biển bị dùi cui tấn công ở Bombay... một đứa trẻ nghe thấy quá nhiều, và hệ quả là không nói bao giờ, bị câm vì dư thừa âm thanh, thành thử từ bấy đến giờ, từ ổ chuột đến nhà máy rau quả dầm, chưa bao giờ tôi nghe nó thốt ra lấy một lời;
Nó là người sở hữu một cái rốn lồi ra thay vì thụt vào, làm Picture Singh kinh ngạc thốt lên, “Bimbi của nó, đội trưởng! Trông bimbi của nó kìa!”, và nó trở thành, ngay từ buổi đầu, người tiếp nhận đầy ơn phước niềm kinh sợ của chúng tôi;
Đứa trẻ nghiêm trang tốt nết đến nỗi việc nó tuyệt đối không khóc và mè nheo đã hoàn toàn chiếm được cảm tình của cha nuôi, người đã thôi không cười như ma làm trước đôi tai dị dạng và bắt đầu trìu mến ru đứa bé lặng lẽ trên tay;
Đứa trẻ được nghe một bài hát khi đu đưa trên tay cha, bài hát được hát bằng chất giọng mang màu lịch sử của người ayah bị ô danh: “Bất cứ gì con muốn thành, con sễ được; con sễ được thành, bất cứ gì con muốn.”
Nhưng giờ khi tôi đã cho ra đời đứa con trai im lặng, tai phấp phới có những câu hỏi cần được trả lời vì sự ra đời đồng thời kia. Những nghi vấn khó nói và khó nuốt: Phải chăng, giấc mơ cứu nước của Saleem đã, qua các mô thẩm thấu của lịch sử, ngấm vào suy nghĩ của chính Thủ tướng? Phải chăng tín niệm cả đời của tôi vào sự đồng nhất giữa Quốc gia và bản thân tôi đã chuyển hóa, trong tâm thức Madam, thành câu nói nổi-tiếng-hồi-ấy: Ấn Độ là Indira và lndira là Ấn Độ? Phải chăng chúng tôi là đối thủ cạnh tranh nhau vai trò trung tâm - phải chăng bà cũng bị ám ảnh sâu sắc bởi một sự thèm khát ý nghĩa như tôi - và có phải, có phải vì thế mà...?
Ảnh hưởng của kiểu tóc đến tiến trình lịch sử: lại thêm một chuyện đáng cười nữa. Nếu William Methwold không có ngôi giữa, chắc tôi đã chẳng ở đây hôm nay; và nếu Người Mẹ của Dân tộc có một mái đầu đồng nhất về sắc tố, Tình trạng Khẩn cấp do bà sinh ra nhiều khả năng sẽ thiếu một khía cạnh đen tối hơn. Nhưng tóc bà lại nửa trắng nửa đen; Tình trạng Khẩn cấp cũng thế, có một nửa trắng - công khai, rõ ràng, được ghi chép, vấn đề dành cho giới sử học - và một nửa đen, bí mật, rùng rợn, không ai nhắc đến, là vấn đề của chúng tôi.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian